Indonesia có tới 6 cầu thủ dưới 23 tuổi, Việt Nam thực sự là đội cửa trên nhưng không thể ghi được bàn.
21 lần dứt điểm và cầm bóng tới 69% là những chỉ số thể hiện sự áp đảo của Việt Nam. Hơn nữa, việc bóng thường xuyên lăn ở 1/3 cuối sân của Indonesia cho thấy đối thủ lùi sâu và Việt Nam tấn công không chỉ bằng những tiền đạo và tiền vệ.
Nhưng vì sao Việt Nam trong số 21 lần dứt điểm chỉ có 1 lần trúng khung thành và không thể ghi được bàn thắng, dù không có chân sút nào thực sự vô duyên, một khái niệm để đánh giá các cầu thủ bỏ lỡ những cơ hội thực sự ngon ăn?
Gần một nửa các pha dứt điểm của Việt Nam là từ những cú sút xa. Những người thường xuyên dứt điểm ở ngoài vòng cấm là Hoàng Đức, Văn Đức, Tuấn Anh, Hồng Duy và cả Quang Hải. Chỉ có Văn Thanh là không tìm kiếm bàn thắng theo phương án này.
Giải pháp này được thực hiện từ khá sớm, ngay giữa hiệp 1 cho thấy nó không phải là sự nôn nóng, mà là lựa chọn rõ ràng của Việt Nam.
Nhưng hầu hết các cú sút xa ấy đều không hợp lý. Có thể có khoảng trống ở trước mặt cho các chân sút Việt Nam, nhưng Indonesia lại tổ chức khá đông các hậu vệ tập trung ở trung lộ nên những người dứt điểm đều sút xa giống như những pha đá phạt hàng rào.
Cũng phải nói rằng đứng trong đội hình Việt Nam không thiếu những chân sút xa cừ khôi. Nhiều người trong số họ đã từng làm nên những siêu phẩm trong cả màu áo CLB lẫn đội tuyển.
Khoảng một nửa trong số những pha dứt điểm ngoài vòng cấm ấy là ở trong những pha bóng mà người dứt điểm có nhiều hơn một sự lựa chọn. Cụ thể ở đây là thay vì dứt điểm ngay thì họ có thể chuyền bóng, phối hợp với những vị trí xung quanh.
Khi Hoàng Đức sút xa, Văn Đức đang đứng ở cánh trái với khoảng trống rất lớn và ở tư thế xin bóng.
Tới lượt Văn Đức sút xa, Hồng Duy cũng đã dâng cao tới đầu vòng cấm ở cánh trái và cũng sẵn sàng nhận bóng.
Rồi khi Hồng Duy dứt điểm, Văn Đức vẫn ở vị trí xin bóng để tiếp tục phối hợp.
Indonesia đá 5-4-1, một sơ đồ giống như cách Việt Nam vẫn lựa chọn để chơi với các ông kẹ châu Á. Họ tập trung số đông ở trung lộ, áp sát và bọc lót thế nên các pha bật tường của Việt Nam (như trận đấu với Malaysia) không có đất diễn.
Họ cũng cho thấy trình độ chuyền bóng, triển khai đưa bóng từ hậu vệ tốt hơn so với Malaysia nên Việt Nam không thể có những pha bóng chuyển trạng thái tổ chức tấn công chớp nhoáng (như bàn thắng của Công Phượng vào lưới Malaysia)
Nhưng Indonesia vì tập trung ở trung lộ khá nhiều đã có khá nhiều lần để mở ở cánh sau khi bị Việt Nam lôi kéo ở trung lộ.
Tiếc là Việt Nam đã không kiên nhẫn để tiếp tục phối hợp, để kéo rộng hàng thủ đối phương, để đi xuống sát đường biên ngang đánh vào nách hàng thủ của Indonesia, một cách chơi để khoan phá phổ biến của những đội bóng chơi kiểm soát bóng, tấn công áp đảo trước những đối thủ phòng ngự lùi sâu nhiều lớp.
Cũng có thể là do HLV Park Hang Seo và các trợ lý của ông đã không lựa chọn phương án này. Cũng có thể là đây mới chỉ là vòng bảng khi Việt Nam chỉ cần thắng Campuchia ở trận cuối là chắc chắn đi tiếp.
Ở tầm khu vực, đội tuyển của ông Park trong 4 năm qua được người ta nhớ tới về sự biến ảo và luôn biết chơi trận sau hợp lý hơn khi gặp lại một đối thủ.